Tại Thổ Phồn Bhrikuti_Devi

Cuốn sách lịch sử tiếng Tạng truyền thống và lâu đời nhất Wazhé (དབའ་བཞེད) chép lại rằng:

"Trong thời kỳ Tri Songtsen trị vì, sau cuộc hôn nhân với Tritsün, con gái của vua Nepal, Chùa Tsulag Khang tại Rasa (Lhasa ngày nay) đã được xây dựng. Cùng với đó là lệnh khởi công bốn mưới hai ngôi đền chùa khác. Thonmi Sambhota được gửi đến Ấn Độ để học tập và tạo bảng chữ cái..." [16].

Theo truyền thống Tạng, Bhrikuti là một người rất sùng đạo Phật, bà đã đưa nhiều hình tượng linh thiêng và thợ thủ công đi cùng như là của hồi môn. Cung điện Marpori Phodrang tại Lhasa (sau này được xây dựng lại thành cung điện Potala bởi Dalai Lama thứ 5) đã được xây dựng bởi những người thợ Nepal theo yêu cầu của bà. Bà cũng cho tạc nhiều bức tượng Phật giáo, trong đó nổi tiếng có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát [17][18] đặt tại chùa Ramoche (Tiểu Chiêu) tại Lhasa. Tuy nhiên dường như bức tượng này không còn nguyên gốc do ngôi chùa đã bị phá hủy ít nhất hai lần, lần đầu tiên trong cuộc xâm lược của Đế quốc Mông Cổ và một lần vào những năm 1960. Nhiều nguồn cho rằng nửa dưới của bức tượng đã được tìm thấy tại một bãi rác ở Lhasa còn nửa trên được tìm thấy tại Bắc Kinh. Sau đó hai phần được ghép lại với nhau và được đặt giữa tám bức tượng Bồ Tát [19].

Songtsen Gampo và Bhrikuti tại trung tâm Lhasa đã xây dựng ngôi chùa vĩ đại Tsulag Khang (ngôi nhà trí tuệ), sau đổi thành Jokhang (ngôi nhà thần thánh), còn được gọi là chùa Đại Chiêu [20], đây được xem như là ngôi chùa linh thiêng nhất tại Tạng. Họ cũng chuyển thủ phủ hành chính của người Tạng từ thung lũng Yarlung tới cung điện Marpori tại Lhasa [21].

Người Tạng xem Bhrikuti như hóa thân của Lục Độ Mẫu. Một người vợ khác của Songtsen Gampo là Văn Thành công chúa nhà Đường được xem như hóa thân của Bạch Độ Mẫu. Từ khi tới Thổ Phồn vào năm 641, Văn Thành công chúa cùng Bhrikuti Devi đã cùng nhau xây dựng nhiều đền chùa và phát triển Phật giáo tại Tạng.

Jokhang (Chùa Đại Chiêu) ngày nay.